Điều trị F0 và theo dõi F1 tại nhà, sử dụng thuốc sao cho an toàn?

Theo BS Trương Hữu Khanh, bệnh nhân COVID-19 khi điều trị tại nhà có thể xuất hiện các triệu chứng như sốt cao hoặc thấp, nghẹt mũi, đau đầu, biếng ăn… và kéo dài trong khoảng thời gian 5, 8, 10 hoặc 14 ngày. Vì vậy, bên cạnh chế độ dinh dưỡng, nghỉ ngơi hợp lý, điều quan trọng là sử dụng đúng các loại thuốc điều trị triệu chứng, giảm thiểu sự khó chịu cho người bệnh.

1. F0 nào đủ điều kiện điều trị tại nhà?

Thưa BS, những trường hợp F0 nào đủ điều kiện để được điều trị, theo dõi tại nhà? Khi đó, người bệnh cần nhớ những nguyên tắc nào để đảm bảo an toàn cho bản thân và gia đình?

BS Trương Hữu Khanh trả lời: Theo nguyên tắc, F0 điều trị tại nhà phải đủ các tiêu chuẩn:

  • Không triệu chứng hoặc triệu chứng mức độ nhẹ: không suy hô hấp: SpO2 ≥ 96% khi thở khí trời, nhịp thở ≤ 20 lần/phút.
  • Khó trở nặng: người không có bệnh nền, người ≤ 50 tuổi, không mang thai, không thừa cân béo phì.
  • Đủ điều kiện để theo dõi sát sức khoẻ của mình.

Theo đó, bệnh nhân cần phải được cách ly tại phòng riêng, trước phòng có đặt một chiếc bàn để người thân tiếp tế thức ăn (tránh tiếp xúc trực tiếp giữa F0 và người thân trong gia đình). Bên cạnh đó, người bệnh cũng không được sinh hoạt chung (ăn, ngủ, nghỉ ngơi…) với các thành viên khác. Tốt nhất nên bố trí phòng cách ly có nhà vệ sinh riêng để tránh lây lan mầm bệnh.


BS Trương Hữu Khanh – Phó chủ tịch thường trực – Hội Truyền nhiễm TPHCM

2. Bệnh COVID-19 diễn tiến ra sao, giai đoạn nào bắt đầu xuất hiện triệu chứng?

Việc điều trị tại nhà cũng khiến nhiều người lo lắng, sợ không kịp tiếp cận các cơ sở y tế khi bệnh trở nặng trong bối cảnh dịch bệnh phức tạp hiện nay.

Xin hỏi BS, bệnh COVID-19 sẽ diễn tiến ra sao? Bắt đầu từ ngày nào các triệu chứng bệnh sẽ xuất hiện? Đó là những triệu chứng gì, trong đó đâu là dấu hiệu thường gặp nhất và mất bao lâu để các triệu chứng này thoái lui?

BS Trương Hữu Khanh trả lời: Thông thường, những bệnh nhân COVID-19 được chọn điều trị tại nhà là những người khỏe mạnh. Vì vậy, những người này sẽ có diễn tiến bệnh rất bình thường (80 – 90% bệnh nhân COVID-19 sẽ tự khỏi).

Những triệu chứng thông thường khi mắc COVID-19 là: sốt (cao hoặc thấp), nghẹt mũi, đau đầu, biếng ăn… Những triệu chứng này thường kéo dài trong thời gian khoảng 5, 8, 10 hoặc 14 ngày.

Bệnh có thể diễn tiến nặng vào ngày thứ 5 – 8. Từ ngày thứ 8 trở đi, bệnh nhân sẽ dần hồi phục và có thể chỉ còn một số triệu chứng như: mệt mỏi, choáng váng, mất khứu giác/vị giác. Đó là những diễn tiến tự nhiên của bệnh nhân COVID-19.

3. Thời điểm F0 điều trị tại nhà có thể trở nặng và dấu hiệu nhận biết?

Giai đoạn nào đặc biệt nguy hiểm mà người bệnh cần quan tâm? BS có thể đưa ra các triệu chứng cảnh báo bệnh bước vào giai đoạn nặng, cần gọi sự trợ giúp y tế? Trong thời gian chờ đợi được đưa đến bệnh viện, F0 cần làm gì?

BS Trương Hữu Khanh trả lời: Thông thường, triệu chứng nặng sẽ xảy ra nhiều nhất từ ngày thứ 5 – 8. Các triệu chứng cũng rất khó đoán, bệnh nhân có thể thấy tức ngực, khó thở nhưng cũng có thể sẽ cảm thấy rất bình thường. Do đó, bệnh nhân cần sử dụng thiết bị đo nồng độ oxy trong máu để xác định chính xác.

Khi nồng độ oxy trong máu bình thường (> 94%) nhưng bệnh nhân lại cảm thấy mệt mỏi, đó là do tâm lý. Lúc này, bệnh nhân cần phải tập thở để trấn tĩnh lại tinh thần.

Khi nồng độ oxy trong máu < 94%, nếu có trang bị công cụ hỗ trợ oxy tại nhà thì bệnh nhân có thể thở oxy, đồng thời kết hợp tập thở để tăng cường trao đổi oxy trong thời gian kết nối với cơ sở y tế.

Đặc biệt, trong thời gian kết nối, nếu bệnh nhân vẫn tiếp tục khó thở (nồng độ oxy trong máu giảm dần) thì người nhà nên để cho bệnh nhân nằm sấp (co 1 chân lên hoặc duỗi 2 chân ra), nằm nghiêng (trái hoặc phải). Đó là những biện pháp để tăng cường oxy cho bệnh nhân trong thời gian chờ đợi.

4. Túi thuốc điều trị F0 tại nhà gồm những thuốc gì, khi nào bắt đầu sử dụng?

Làm thế nào để tiếp cận được với những túi thuốc điều trị F0 tại nhà của ngành y tế? Khi nhận được túi thuốc, theo BS điều gì bệnh nhân cần quan tâm đầu tiên?


Túi thuốc F0 được ngành Y tế TPHCM cung cấp cho bệnh nhân COVID-19 điều trị tại nhà. Ảnh: Trung tâm kiểm soát bệnh tật TPHCM

BS Trương Hữu Khanh trả lời: Bệnh nhân ở TPHCM sau khi dương tính với COVID-19 nên liên hệ với cơ sở y tế để được cung cấp túi thuốc. Hiện nay, có 3 loại túi thuốc cấp cho bệnh nhân F0 điều trị tại nhà, bao gồm: túi thuốc A, túi thuốc B, túi thuốc C.

  • Túi thuốc A là túi chứa các loại thuốc thông thường như: thuốc trị sốt, ho, thuốc bổ, các gói oresol. Dùng khi có triệu chứng.
  • Túi thuốc B là túi chứa các thuốc kháng viêm và chống đông. Dùng trong 5 – 7 ngày.
  • Túi thuốc C (chỉ một số người được phát) là túi chứa thuốc kháng lại virus đang thử nghiệm (Molnupiravir). Khi có túi thuốc này, F0 phải có triệu chứng thì mới sử dụng. Vì đa phần triệu chứng bệnh rất nhẹ, bệnh nhân không cần uống thuốc cũng tự hết. Túi thuốc này nên dùng trong 5 ngày.

Khi có các triệu chứng như sốt, ho… bệnh nhân có thể sử dụng thuốc trong túi thuốc A (tùy vào triệu chứng mà uống thuốc phù hợp). Bên cạnh đó, bệnh nhân cũng nên ăn uống bình thường kết hợp tập thở, nghỉ ngơi, đảm bảo ngủ đủ giấc.

Khi thấy tức ngực, khó thở, SpO2 (nồng độ oxy trong máu) bắt đầu thay đổi, bệnh nhân có thể sử dụng thuốc trong túi thuốc B, đồng thời liên lạc với ngành y tế để được hướng dẫn thêm về nguy cơ của mình như. Trong trường hợp này bệnh nhân cũng có thể uống thuốc trong túi thuốc C (nếu có).

5. F0 điều trị tại nhà cần chuẩn bị thuốc gì, dụng cụ y tế nào?

Bên cạnh việc chờ đợi hỗ trợ thuốc từ ngành y tế, người bệnh cần chủ động chuẩn bị những loại thuốc gì, dụng cụ y tế nào? Việc chuẩn bị thuốc giữa F0 không có triệu chứng, F0 có triệu chứng và F0 có bệnh nền liệu có gì khác biệt?

 

Máy đo SpO2 – một dụng cụ y tế không thể thiếu khi F0, F1 được điều trị, cách ly tại nhà (Ảnh minh họa)

BS Trương Hữu Khanh trả lời: Khi quyết định điều trị tại nhà, chúng ta cần chuẩn bị máy đo nồng độ oxy trong máu (máy đo SpO2). Đây là thiết bị rất quan trọng vì nếu không có nó, chúng ta sẽ không thể nào đánh giá được tình trạng của người bệnh.

Bên cạnh đó, nên chuẩn bị nhiệt kế để theo dõi nhiệt độ thường xuyên. Nếu được, chúng ta cũng nên chuẩn bị máy đo huyết áp tự động có thể theo dõi tại nhà dễ dàng. Đó là 3 dụng cụ y tế nên có khi điều trị COVID-19 tại nhà.

Bệnh COVID-19 đa số đều chữa theo triệu chứng. Do đó, người dân có thể chuẩn bị trước các loại thuốc chữa các triệu chứng sau:

  • Triệu chứng sốt, đau đầu: có thể chuẩn bị thuốc paracetamol, ibuprofen.
  • Triệu chứng ho: có thể chuẩn bị thuốc ho thảo dược, thuốc ho của trẻ em.
  • Triệu chứng mất ngủ: có thể chuẩn bị thuốc ngủ thảo dược hay những loại có chứa melatonin.
  • Ngoài ra, chúng ta có thể chuẩn bị các gói oresol nhưng tỉ lệ cần phải sử dụng đến thuốc này rất thấp.
  • Song song đó, chúng ta nên chuẩn bị các nhóm thuốc kháng viêm, kháng sinh và kháng đông. Tuy nhiên, khi mua những loại thuốc này, nên tìm hiểu kỹ và tham vấn ý kiến của bác sĩ trước khi sử dụng vì 3 loại thuốc này khá khó dùng. Thông thường, chúng ta chỉ nên sử dụng những thuốc này trong vòng 5 – 7 ngày.

Trên hết, tinh thần là yếu tố quyết định trong điều trị F0 tại nhà. Do đó, người bệnh cần:

  • Giữ tinh thần lạc quan.
  • Ngủ đủ giấc.
  • Nạp đủ năng lượng.
  • Tập luyện điều độ. Bệnh nhân không nên nằm 1 chỗ vì sẽ làm giảm tinh thần và sức đề kháng.

6. F0 điều trị tại nhà, đau mức độ nào, sốt bao nhiêu độ thì cần dùng thuốc?

Đau người, mệt mỏi, sốt cao là một trong những triệu chứng thường gặp ở bệnh nhân COVID-19. BS có thể nói cụ thể hơn về diễn biến các giai đoạn đau, sốt do mắc COVID-19? Sốt bao nhiêu độ, đau ra sao thì nên dùng thuốc?

BS Trương Hữu Khanh trả lời: Thông thường, bệnh nhân COVID-19 sẽ đau ở 2 vị trí:

  • Đau rát cổ họng: trong 3 – 4 ngày đầu bệnh nhân sẽ cảm giác đau rát họng dữ dội, sau đó triệu chứng sẽ giảm dần.
  • Đau đầu: Bệnh nhân COVID-19 thường đau đầu do 2 nguyên nhân

         – Không ngủ đủ/ stress

         – Triệu chứng cảm/ sốt.

Khi đó, bệnh nhân có thể sử dụng thuốc paracetamol hoặc ibuprofen để giảm đau.

Nhiều bệnh nhân không biết paracetamol là thành phần của nhiều thuốc khác nhau (ví dụ: Travicol, Tylenol, Efferalgan, Panadol…) nên cứ tưởng các thuốc đó là khác nhau, dẫn đến việc uống thuốc này xong lại tiếp tục uống thuốc khác khiến cơ thể nạp quá liều thuốc.

Do đó, trước khi uống, bệnh nhân cần xem kỹ công thức trong thuốc. Nếu thấy các thuốc đều có thành phần Paracetamol thì tất cả là giống nhau. Khi đó, chúng ta chỉ nên uống khoảng 550mg (người > 60kg sử dụng Paracetamol 650mg). Khi cảm thấy triệu chứng không giảm, chúng ta có thể uống thêm ibuprofen, ngoài ra không nên uống thêm thuốc gì nữa.

Đau, mệt mỏi, sốt cũng chỉ là những triệu chứng thông thường, bệnh nhân có thể uống thuốc trong vòng 5 – 8 ngày và bệnh sẽ giảm dần.

Trường hợp sốt nhẹ (< 38 độ C), người bệnh chỉ cần uống nước nhiều hoặc sử dụng biện pháp xông để toát mồ hôi.


Travicol 650 chứa 650mg Paracetamol giúp giảm các cơn đau và hạ sốt nhanh

7. F0 điều trị tại nhà nên sử dụng thuốc giảm đau, hạ sốt loại nào?

Loại thuốc giảm đau, hạ sốt nào an toàn và thông dụng nhất người bệnh có thể sử dụng? Hàm lượng nên lựa chọn ra sao và cách sử dụng đúng để an toàn và hiệu quả?

BS Trương Hữu Khanh trả lời: Đa số những người F0 (người lớn) sẽ sử dụng thuốc giống nhau là paracetamol và ibuprofen.

Nếu bệnh nhân < 60kg, sử dụng paracetamol liều 550mg/lần. Sau uống thuốc khoảng 4 – 6 giờ thì có thể sử dụng lại.

Bệnh nhân nên lưu ý không nên sử dụng thuốc trước mà chỉ khi có dấu hiệu sốt/ đau đầu mới nên uống. Bởi triệu chứng sốt đôi khi là có lợi, bệnh nhân phải tự hết sốt thì mới khỏi bệnh. Bên cạnh đó, chúng ta cũng không nên uống thuốc quá nhiều.

Với thuốc ibuprofen, có thể uống xen kẽ nếu bệnh nhân có cơ địa đặc biệt (uống thuốc paracetamol nhưng không hạ sốt hoặc không hết nhức đầu). Theo đó, người lớn nên uống ibuprofen liều 400mg/lần và có thể uống 3 lần/ngày.

Đối với trẻ em, nên sử dụng liều lượng thuốc theo cân nặng. Tuy nhiên, đa số trẻ em mắc COVID-19 thường không có triệu chứng nặng nên chúng ta vẫn có thể sử dụng các thuốc trị triệu chứng như thông thường.

8. F0 điều trị tại nhà nên làm gì nếu cơn sốt trở nên mất kiểm soát?

Nhờ BS hướng dẫn kỹ hơn về vấn đề giảm đau, hạ sốt đúng cách ở người bệnh F0.

– Làm thế nào nếu cơn sốt trở nên mất kiểm soát? Thói quen nên làm và sai lầm cần tránh?

– Cách xử lý tình trạng đau đầu, đau cơ dữ dội trong diễn biến bệnh?

BS Trương Hữu Khanh trả lời: Khi sốt, người bệnh chỉ cần uống thuốc hạ sốt và nên lưu ý không uống quá liều. Nếu đã uống thuốc paracetamol mà vẫn chưa hạ sốt, người bệnh có thể kết hợp chườm mát hoặc uống thêm ibuprofen, đặc biệt không nên uống thêm liều paracetamol nữa. Ngoại trừ trường hợp lúc đầu bệnh nhân uống sai liều (ví dụ: bệnh nhân uống nhầm thuốc sổ dành cho trẻ em; người > 60g nhưng uống liều 500mg…) thì sẽ không thể hạ sốt. Lúc này, bệnh nhân có thể uống thêm liều 150mg paracetamol nữa.

Người bệnh nên nhớ, sốt cao là diễn tiến rất bình thường khi bệnh. Do đó, người bệnh nên bình tĩnh và xử lý tương tự như khi bị sốt cao trước đây.

Bên cạnh đó, F0 cũng sẽ không gặp trường hợp đau cơ dữ dội mà chỉ có triệu chứng đau đầu thôi, vì vậy, bệnh nhân chỉ uống thuốc. Nếu cảm thấy đau đầu quá nhiều, rất có thể do nguyên nhân mất ngủ hoặc quá stress. Khi đó, bệnh nhân nên tập thở, giữ tinh thần hoàn toàn thư giãn, không nên đọc quá nhiều tin tức về COVID-19, xem các phim, clip hài để giải trí… mà không cần phải uống thuốc. Trong trường hợp không thể chịu nổi cơn đau đầu, bệnh nhân có thể uống thuốc ibuprofen 400mg.

9. F1 cách ly tại nhà, nên thực hiện sao cho đúng?

Trước đây, khi trở thành F1 hầu hết sẽ được đi cách ly nhưng tình hình dịch bệnh phức tạp, hiện phải theo dõi tại nhà. Xin hỏi BS, F1 cách ly tại nhà cần quan tâm đến điều gì? Theo dõi sức khỏe ra sao?

BS Trương Hữu Khanh trả lời: Những người F1 cần phải cách ly với người F2. Nếu tất cả các thành viên trong gia đình đều là F1 thì đôi khi phải cách ly nghiêm ngặt hơn so với F0. Bởi những người F0 có thể cách ly chung với nhau nhưng F1 thì phải ở riêng (vì F1 là người bất cứ lúc nào cũng có thể trở thành F0 mà không thể lường trước được).

Vì vậy, khi đã là F1, người dân nên:

  • Cách ly với những người khác.
  • Đeo khẩu trang đúng cách.
  • Theo dõi sức khoẻ bản thân, nếu thấy sốt phải xét nghiệm ngay.
  • Xét nghiệm định kỳ đến ngày 15, nếu kết quả vẫn âm tính thì mới xác định mình không còn là F1 nữa.

10. F1 cách ly tại nhà, cần chuẩn bị gì cho tủ thuốc gia đình?

Gia đình có F1 thì cần chuẩn bị gì về y tế? Chẳng hạn như túi thuốc gia đình thì cần có những loại thuốc gì? Dụng cụ y tế nào là cần thiết?

BS Trương Hữu Khanh trả lời: Những người F1 vẫn nên chuẩn bị thuốc tương tự như F0, bởi bất cứ lúc nào F1 cũng có thể trở thành F0. Bên cạnh đó, F1 cần bố trí thêm dụng cụ y tế là nhiệt kế để theo dõi nhiệt độ thường xuyên.

Tuy nhiên, F1 phải lưu ý rằng, nếu có triệu chứng nghi ngờ mắc COVID-19 thì phải xét nghiệm ngay để phát hiện sớm mình là F0 và cách ly kịp thời.