Vì sao không nên tự ý thay đổi dạng bào chế của thuốc giảm đau, hạ sốt?

Khi con trẻ sốt, một số phụ huynh bẻ đôi thuốc hạ sốt của người lớn hoặc nghiền thuốc ra cho con uống. Tuy nhiên, PGS.TS.BS Lâm Huyền Trân – Trưởng khoa Liên chuyên khoa Tai Mũi Họng – Bệnh viện Nguyễn Tri Phương cho biết làm như vậy lượng thuốc thể bị hao hụt, gây ảnh hưởng đến hiệu quả điều trị.

1. Có loại thuốc hạ sốt nhanh, có loại thuốc hạ sốt chậm, vì sao?
BS ơi, nhiều lần chăm con sốt thì em thấy rằng là loại thuốc này con mình uống hạ sốt nhanh hay chậm hơn loại thuốc kia. Cảm nhận như vậy có chính xác không, và theo BS vì sao có hiện tượng này?

PGS.TS.BS Lâm Huyền Trân trả lời: Trong một số trường hợp, sau khi dùng thuốc thì triệu chứng sốt có thể giảm ngay. Tuy nhiên, đôi khi bạn dùng thuốc lại thấy hạ sốt chậm. Hiện tượng này có thể do chất lượng thuốc nhưng cũng có thể do bệnh lý.

Nếu so sánh giữa 2 loại thuốc giảm đau, hạ sốt là paracetamol và ibuprofen, người ta thấy rằng ibuprofen có tác dụng nhanh hơn. Tuy nhiên, xét về mức độ an toàn khi sử dụng, paracetamol lại ưu thế hơn so với ibuprofen vì nó có ít tác dụng phụ.

Ibuprofen có thể gây ra tác dụng phụ. Đặc biệt nếu chúng ta chưa loại trừ được nguyên nhân sốt do sốt xuất huyết hoặc bệnh nhân có tiền sử bị xuất huyết tiêu hoá thì không nên sử dụng ibuprofen.

Do đó, paracetamol thường được sử dụng nhiều hơn để giảm đau, hạ sốt bởi nó an toàn và dễ sử dụng hơn so với ibuprofen.

Bên cạnh đó, tuỳ theo tình trạng bệnh mà tác dụng thuốc sẽ khác nhau. Ví dụ, nếu bạn chỉ bị nhiễm siêu vi thông thường thì đôi khi chỉ cần dùng thuốc paracetamol 1-2 ngày thì có thể đã khỏi bệnh.

Tuy nhiên, nếu bạn bị bệnh viêm mũi, viêm xoang, viêm amidan hoặc viêm tai giữa… thì việc dùng thuốc chỉ là điều trị triệu chứng nhưng chưa điều trị bệnh nên có thể bạn có thể sẽ lâu hết bệnh hơn.

2. Thuốc giảm đau, hạ sốt cho trẻ em và người lớn có gì khác?
Thuốc giảm đau, hạ sốt cho trẻ em và người lớn có khác biệt gì, thưa BS?

PGS.TS.BS Lâm Huyền Trân trả lời: Sự khác biệt duy nhất giữa thuốc giảm đau hạ sốt cho trẻ nhỏ và người lớn là hàm lượng dựa theo cân nặng.

Chúng ta nên nhớ một quy tắc rằng “trẻ con không phải là một người lớn thu nhỏ”, nhất là trong bối cảnh hiện nay có nhiều trẻ bị béo phì.

Một số trường hợp trẻ chỉ 10-12 tuổi nhưng lại có cân nặng lên đến 60-70kg. Do đó, nếu chúng ta cho trẻ dùng thuốc bằng với đứa trẻ bình thường thì sẽ thấy thuốc không có tác dụng.

Chẳng hạn như trong cùng một độ tuổi, nếu trẻ nặng 30kg thì chúng ta có thể cho trẻ uống thuốc có hàm lượng 325mg. Tuy nhiên, nếu trẻ nặng 60kg thì phụ huynh phải cho trẻ dùng liều lên đến 650mg.

3. Liệu có thể bẻ đôi thuốc hạ sốt của người lớn cho trẻ uống?
Thưa BS, trong trường hợp không tiện đi mua thuốc thì cha mẹ có thể bẻ đôi thuốc hạ sốt của người lớn để sử dụng cho trẻ không ạ?

PGS.TS.BS Lâm Huyền Trân trả lời: Không ít bậc cha mẹ cho rằng có thể bẻ thuốc hạ sốt của người lớn làm đôi, 3 hoặc 4 phần cho trẻ sử dụng.

Tuy nhiên, việc này không được khuyến cáo bởi trong quá chia thuốc thành nhiều phần nhỏ như thế có thể khiến liều lượng không còn được chính xác.

Chính vì thế, các nhà sản xuất luôn bào chế thuốc thành nhiều hàm lượng khác nhau để đáp ứng cho nhu cầu cho từng độ tuổi và cân nặng. Chẳng hạn như thuốc paracetamol có các hàm lượng như: 80mg, 150mg, 250mg, 325mg, 500mg, 650mg.

4. Việc nghiền viên nén hạ sốt có giúp thuốc phát huy tác dụng nhanh hơn?
Em muốn hỏi BS, nếu nhà không có sẵn thuốc giảm đau hạ sốt dạng sủi nhưng có viên nén, vậy đem nghiền ra thành bột thì có giúp thuốc nhanh phát huy tác dụng hơn không?

PGS.TS.BS Lâm Huyền Trân trả lời: Thuốc dạng sủi là một dạng thuốc được bào chế đặc biệt. Đặc điểm của thuốc dạng sủi là khi bỏ vào nước, thuốc sẽ tan hoàn toàn. Theo đó, khi uống, thuốc sẽ được tráng vào trong dạ dày nên người bệnh hấp thu được toàn bộ thuốc, giúp phát huy tác dụng nhanh hơn.

Nếu chúng ta uống thuốc dạng viên nén thì sau khoảng một thời gian viên thuốc mới tan hết hoàn toàn nên tác dụng sẽ chậm hơn.

Trên thực tế, nhà sản xuất ra viên nén là để đảm bảo toàn bộ thuốc có thể hấp thu vào trong cơ thể. Do đó, nếu bạn nghiền thuốc thì sẽ bị hao hụt bởi một lượng thuốc có thể còn sót lại ở vật dụng bạn dùng để nghiền.

Vì vậy, tốt nhất bạn nên dùng thuốc đúng theo dạng bào chế, không nên bẻ hoặc nghiền thuốc dạng viên nén vì sẽ ảnh hưởng đến liều lượng và tác dụng của thuốc.

5. Thuốc Paracetamol với Ibuprofen hay Dextromethorphan, Loratadin, Cafein dùng cho những trường hợp nào?
Thưa BS, lâu nay trong tủ thuốc gia đình nhà em luôn có thuốc giảm đau, hạ sốt Travicol 650. Nhưng gần đây em mới biết có rất nhiều loại khác nhau. Ví dụ, Travicol Flu có cả các thành phần paracetamol, dextromethorphan và loratadin. Travicol PA có thành phần paracetamol và Ibuprofen. Travicol Extra có thành phần paracetamol và Cafein. Như vậy, mỗi loại sẽ sử dụng cho những trường hợp nào ạ? Nếu dùng loại này thì không dùng loại khác phải không BS ơi? Mong BS giải đáp giúp em ạ.

PGS.TS.BS Lâm Huyền Trân trả lời: Bên cạnh hoạt chất chính là paracetamol, các thành phần thêm vào thuốc hạ sốt như loratadin, dextromethorphan, cafein… là những loại thuốc kháng dị ứng, chẳng hạn như giúp giảm ho, sổ mũi,…

Ví dụ, thuốc Travicol Flu không chỉ sử dụng khi bệnh nhân có triệu chứng sốt mà còn có thể điều trị triệu chứng sổ mũi, ho,… Vì vậy, thuốc sẽ có thêm thành phần điều trị ho như dextromethorphan.

Trường hợp bệnh nhân chỉ sốt mà không có triệu chứng ho, sổ mũi thì người bệnh chỉ cần dùng thuốc Travicol chứa thành phần paracetamol.

Dạng thuốc chứa thêm thành phần cafein thường được sử dụng cho những bệnh nhân có biểu hiện đau nhức, sốt, mệt mỏi nhiều.

Ibuprofen là thuốc kháng viêm, giảm đau, hạ sốt, đặc biệt giúp giảm đau rất tốt. Do đó, khi phối hợp 2 thành phần như vậy sẽ làm tăng tác dụng giảm đau, giúp bệnh nhân mau khoẻ, hết các triệu chứng đau nhức, cảm giác thoải mái, dễ chịu hơn.

6. Paracetamol: khi nào nên dùng 10mg/kg, khi nào nên dùng 15mg/kg?
Tôi đọc các hướng dẫn sử dụng paracetamol thì thấy liều lượng dùng theo kilogam cân nặng, từ 10-15mg/kg cho mỗi lần dùng. Xin hỏi BS cụ thể hơn, trường hợp nào thì nên dùng 10mg cho an toàn và trường hợp nào cần dùng 15mg mới đạt hiệu quả?

PGS.TS.BS Lâm Huyền Trân trả lời: Khi bắt đầu sử dụng thuốc paracetamol, bạn nên khởi đầu bằng liều 10mg/kg.

Ví dụ, nếu bạn nặng 50kg thì chỉ cần uống paracetamol 500mg. Sau khi uống thuốc, nếu bạn thấy triệu chứng giảm đi thì không cần phải tăng liều.

Với trường hợp người bệnh nặng 65kg, họ có thể khởi đầu với liều 10mg/kg. Như vậy, bệnh nhân cần uống paracetamol 650mg, nếu sau khi uống thuốc thấy khoẻ thì không cần tăng liều.

Trong trường hợp bạn nặng 40kg nhưng khi uống viên 500mg vẫn chưa thấy khỏe thì bạn có thể tăng liều lên 15mg/kg, tức sử dụng thuốc paracetamol 650mg.

Tóm lại, khi dùng thuốc, bạn nên chú ý bắt đầu dùng từ liều thấp, nếu không có hiệu quả thì mới dùng liều cao.

7. Trẻ có cân nặng ngang người lớn, nên dùng thuốc giảm đau hạ sốt nào?
Thưa BS, với trẻ em nhưng cân nặng ngang ngửa người lớn, 40kg, thậm chí là 50kg thì nên dùng theo loại giảm đau, hạ sốt của con nít, hay phải dùng hàm lượng của người lớn? Vì nhà em thì cho rằng con nít nên chỉ nên mua loại dưới 325mg thôi, nhưng con em 13 tuổi, nặng đến hơn 50kg. Mong sự tư vấn từ bác sĩ ạ.

PGS.TS.BS Lâm Huyền Trân trả lời: Khi trẻ bệnh, tất cả những loại thuốc điều trị đều phải được tính theo cân nặng, không chỉ riêng thuốc giảm đau hạ sốt.

Theo đó, thuốc paracetamol có liều từ 10-15mg/kg. Như vậy, nếu trẻ 50kg thì phải dùng thuốc có liều ít nhất là 500mg chứ không thể dùng liều giống với trẻ có cân nặng chỉ 30kg.

8. Dùng thuốc gì để giảm đau bụng kinh hiệu quả?
Bác sĩ ơi, con gái tôi 17 tuổi, đau bụng mỗi khi đến kỳ kinh, đã đi khám rồi nhưng không sao cả. Nhưng bây giờ cứ đến kỳ là cháu lại đau, mệt nhiều. Vậy có được dùng thuốc giảm đau không ạ? Nếu được thì dùng loại nào hiệu quả và an toàn? Xin cảm ơn bác sĩ rất nhiều.

PGS.TS.BS Lâm Huyền Trân trả lời: Đau bụng kinh là một dạng đau bụng sinh lý.

Khi đến chu kỳ kinh nguyệt, các bé gái có thể có biểu hiện đau bụng vùng dưới, mệt mỏi hoặc đau nhức cơ thể, gây ảnh hưởng đến quá trình học tập. Lúc này, bạn có thể cho trẻ dùng thuốc giảm đau để giảm triệu chứng.

Theo đó, các thuốc giảm đau như paracetamol, ibuprofen đều là những thuốc có tác dụng giảm đau hiệu quả đối với triệu chứng đau bụng kinh. Vì vậy, trẻ có thể dùng những loại thuốc giảm đau này khi có cảm giác đau bụng nhiều và khó chịu.

9. Nên dùng thuốc giảm đau nào để không gây buồn ngủ?
BS cho em hỏi, công việc của em đôi khi căng thẳng quá mức gây đau đầu, nhưng em uống thuốc giảm đau thì lại thấy buồn ngủ, không tập trung được. Em nên sử dụng loại nào để không gây buồn ngủ ạ?

PGS.TS.BS Lâm Huyền Trân trả lời: Hầu như rất ít thuốc giảm đau gây buồn ngủ. Nguyên nhân khiến bạn buồn ngủ có thể do bạn quá căng thẳng, mất ngủ hoặc sử dụng nhầm thuốc cảm.

Một số thuốc cảm có chứa thành phần thuốc trị sổ mũi, nghẹt mũi là antihistamin thế hệ cũ nên có tác dụng phụ gây buồn ngủ.

Do đó, điều đầu tiên là bạn nên xem kỹ thành phần của thuốc. Nếu thuốc chứa một hoạt chất khác ngoài paracetamol thì có thể bạn buồn ngủ là do hoạt chất được thêm vào.

Lúc này, bạn có thể đổi sang loại thuốc mới, chẳng hạn như Travicol có chứa loratadin (thuộc nhóm antihistamin thế hệ mới không có tác dụng phụ gây buồn ngủ) có tác dụng giảm sổ mũi, nghẹt mũi.

10. Có nên tiếp tục dùng paracetamol khi đã hết sốt nhưng còn sổ mũi, hắt hơi?
Em bị cảm, ra hiệu thuốc thì dược sĩ bán cho loại Travicol Flu. Ban đầu em bị sốt, mệt nên uống thấy hạ sốt. Nhưng hiện giờ thì vẫn sổ mũi, hắt hơi là chảy nước mắt. Vậy em có tiếp tục sử dụng Travicol Flu được không, hay chỉ khi nào sốt, đau thì mới tiếp tục dùng? Em nên sử dụng trong bao lâu ạ? Em cảm ơn BS.

PGS.TS.BS Lâm Huyền Trân trả lời: Bạn có các triệu chứng của cảm, khi ra nhà thuốc thì được các bác sĩ tư vấn sử dụng Travicol Flu phù hợp. Bởi Travicol Flu có paracetamol có tác dụng giảm đau, hạ sốt. Đồng thời, Travicol còn có chứa thành phần dextromethorphan, loratadin giúp điều trị ho và sổ mũi, rất hiệu quả trong điều trị cảm.

Nếu bạn cảm thấy mình không còn sốt mà chỉ còn hắt hơi, sổ mũi thì bạn không cần dùng paracetamol nữa. Thay vào đó, bạn có thể chuyển sang sử dụng thuốc chữa hắt hơi, sổ mũi.

Paracetamol cũng có một số tác dụng phụ gây hại cho gan nếu chúng ta sử dụng lâu ngày hoặc sử dụng quá liều. Vì vậy, bạn chỉ nên dùng paracetamol khi bị sốt hoặc đau. Đặc biệt, không nên uống paracetamol với mục đích phòng ngừa sốt, chẳng hạn như trước khi tiêm vắc xin.

11. Sau khi uống paracetamol 500mg thì bao lâu sau mới có thể sử dụng 650mg?
Em đau đầu, uống paracetamol có giảm nhưng không hết hẳn, vẫn còn cảm giác nặng đầu, ê ê. Kiểm tra thì thấy hàm lượng của thuốc là 500mg. Sau đó, em ra hiệu thuốc mua loại khác thì được dược sĩ đưa cho loại Travicol 650mg và hướng dẫn uống hàm lượng đúng số kilogram mới hiệu quả. Có phải cơn đau đầu không dứt là do uống chưa đủ lượng thuốc không thưa BS? Sau khi uống paracetamol 500mg thì bao lâu sau mới có thể sử dụng 650mg ạ? Em cảm ơn BS ạ.

PGS.TS.BS Lâm Huyền Trân trả lời: Việc sử dụng thuốc cần dựa theo cân nặng.

Nếu cân nặng của bạn là 60kg viên thuốc dạng 500mg sẽ không đủ nên dược sĩ đổi cho bạn loại thuốc 650mg là hợp lý.

Tuy nhiên, nếu bạn vừa uống viên 500mg thì không nên uống ngay viên 650mg vì sẽ bị quá liều.

Theo đó, trước khi chuyển sang sử dụng liều thứ 2, bạn phải đợi trong vòng 4 giờ. Thông thường, chúng ta chỉ nên sử dụng liều tối đa paracetamol là 4 lần/ngày.

12. Paracetamol – thuốc giảm đau, hạ sốt an toàn và hiệu quả
PGS.TS.BS Lâm Huyền Trân trả lời: Thuốc giảm đau hạ sốt an toàn và hiệu quả nhất chính là paracetamol.

Paracetamol đã có từ rất lâu và đã được chứng minh là an toàn cho mọi đối tượng từ trẻ em đến người lớn.

Tuy nhiên, chúng ta cần uống thuốc đúng cách, tức sử dụng liều thuốc dựa theo cân nặng mới có thể đem lại hiệu quả.

10-15mg/kg là liều thuốc paracetamol được khuyến cáo cho một lần uống. Theo đó, bạn bắt đầu dùng từ liều thấp, nếu thấy hiệu quả thì duy trì sử dụng. Trường hợp sử dụng liều thấp không hiệu quả thì bạn mới nên chuyển sang liều cao hơn.

Trong trường hợp bạn tự điều trị tại nhưng sau 2-3 ngày vẫn còn đau, sốt, tức là có vấn đề gì đó mà chưa tìm ra được nguyên nhân. Bởi hạ sốt, giảm đau thực chất chỉ là điều trị triệu chứng chứ chưa phải là điều trị căn nguyên gây bệnh.

Do đó, sau 2-3 ngày uống thuốc mà triệu chứng của bạn vẫn không thuyên giảm thì lời khuyên tốt nhất là bạn nên đi tìm đến cơ sở y tế để được thăm khám và điều trị phù hợp.